NỖI TRĂN TRỞ CỦA NGHỀ LÀM NHÂN SỰ: “LÀM DÂU TRĂM HỌ

Công tác tuyển dụng là một trong công việc chính của nghề nhân sự. Lọc hồ sơ ứng viên là khâu đầu tiên, nếu ai không biết thì có khi lại nghĩ, chỉ có ăn với ngồi mà đọc CV, rồi xem anh nào đẹp trai, chị nào xinh gái mà nhặt ra là xong ý mà. Nỗi trăn trở của nghề làm nhân sự là “làm dâu trăm họ”, liệu có phải như vậy không?

Nỗi trăn trở của nghề nhân sự

Tùy yêu cầu tuyển dụng của các phòng ban chuyển xuống mà nhân sự lo tuyển dụng, nhiều khi tại những công ty lớn hồ sơ lên đến hàng trăm hàng ngàn thì nhà tuyển dụng phải lọc tất cả số đó. Họ phải lọc để tìm được những ứng viên phù hợp với hàng chục yêu cầu trong bản mô tả công việc đã soạn, để không bỏ sót một ứng viên tiềm năng nào cho công ty. Đâu chỉ đẹp trai, xinh gái, nhiều vị trí còn chọn nhanh nhẹn, hoạt bát nữa chứ.

Có khi nhìn ảnh thì cũng nhận ra được 1 phần, nhưng có phải CV nào các bạn cũng để ảnh đâu. Vậy là đọc kỹ CV, không bỏ qua chi tiết nào để không lỡ bỏ đi một ứng viên tiềm năng. Chưa kể sau khi hẹn phỏng vấn, có những ứng viên được hẹn nhưng lại “bỏ bom” không tới, có những ứng viên tới muộn cả buổi vẫn phải vui vẻ tiếp nhận. Rất nhiều ứng viên đến phỏng vấn mà như đi giao lưu chẳng chuẩn bị gì hết, CV không, hồ sơ không, sau khi được hỏi còn nói “ em định tay không bắt giặc”, Ơ thế ai là giặc ở đây không biết nữa.., nhiều ứng viên ăn mặc và trang điểm quá lòe loẹt, có người lại quá xuề xòa, có một số ứng viên mang theo những bộ hồ sơ nhàu nát, gạch xóa…

Chị Dương Hoàng Hân – Chuyên viên Tuyển dụng

Chuyện sa thải nhân viên khi họ không đạt yêu cầu trong quá trình thử việc, hay khi được lệnh do thu hẹp sản xuất, dư dôi lao động phải cắt giảm nhân viên là chuyện buồn nhất trong nghề nhân sự. Có rất nhiều người không hiểu, họ nghĩ rằng người làm nhân sự “đuổi việc” họ nhưng NTD đâu có quyền “đuổi” bất cứ ai đâu nhỉ? Đợt công ty tôi có một bạn thử việc, bạn này cũng nhanh nhẹn và chăm chỉ chịu khó, mỗi tội tính hơi trẻ con và bốc đồng. Công việc của công ty thì phải giao tiếp nhiều với khách hàng, bởi vậy cũng yêu cầu một số kỹ năng về giao tiếp. Nhân viên thử việc này lại rất yêu công việc và công ty, mặc dù kỹ năng có hơi thiếu nhưng vẫn cho NV đó cơ hội.

Nhưng sau đó vì tính cách trẻ con, bốc đồng bạn này đã làm một việc sai lầm, có thể không cố ý nhưng công ty đã cho dừng thời gian thử việc, sau khi nhân sự trao đổi bạn ý đã khóc vì hiểu ra sai lầm, rồi thu dọn đồ đạc đi chào tất cả phòng ban trong công ty, vừa chào vừa khóc. Ai cũng hỏi và trách móc nhân sự vì sao lại cho bạn ấy nghỉ việc, nhưng nào có ai hiểu, người nhân sự còn vừa tìm một chỗ để khóc xong. Rồi còn có trường hợp, NV không hiểu ra điểm sai của mình, khi trao đổi về dừng công việc, nhất định nghĩ Nhân sự làm sai, đùng đùng phải gặp được ban giám đốc.

Đã là nhân viên ăn lương thì rõ ràng việc đến đúng giờ, đảm bảo trật tự doanh nghiệp, duy trì nội quy là đương nhiên. Các bạn biết vậy và các bạn vẫn vi phạm những điều đó. Các sếp thì luôn đề cao việc nhân viên phải có ý thức kỷ luật, đưa doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp trong công việc. Khi sếp quy ra mức phạt cho các trường hợp vi phạm, và nhân sự đương nhiên phải chấp hành quy định giám sát các bạn. Các bạn lại tỏ ý không bằng lòng và dèm pha sau lưng, chưa kể tỏ ra khó chịu với người làm nhân sự.

Nhân sự cũng là người tổ chức liên hoan, du lịch hay những hoạt động mang tính chất thư giãn cho mọi người trong công ty. Họ cũng phải đau cả đầu để tìm ra được một chỗ giá cả phải chăng, món ăn ngon lành mà lại hợp với phần đông sở thích của mọi người. Họ đôn đáo đặt chỗ, lăn lê chọn món và cũng mong có một buổi thật sự vui vẻ, có ý nghĩa như tất cả mọi người.

Nhưng nhiều khi họ cũng không hề biết trước ở chỗ đó đồ ăn không được quá ngon như quảng cáo, phục vụ không nhiệt tình như chủ nhà hàng giới thiệu, và vài bạn ruồi ghé thăm (ví dụ thế…). Thế là các bạn lại ì xèo bàn tán, chê bai đủ kiểu..

Còn rất nhiều và rất nhiều điều khác nữa, nếu kể hết thì chắc những bạn chuẩn bị vào nghề sẽ sớm đổi nghề mất thôi. Nên các bạn cứ từ từ mà tìm hiểu và thấm dần với nghềnhân sự nhé. Nhưng ngoài những mặt tiêu cực ra thì nghề nhân sự cũng có những mặt tích cực của nghề, bởi vậy nghề nhân sự tại Việt Nam giờ mới đang hot như vậy chứ các bạn.

Vậy nghề nhân sự có hay không dành cho những “kẻ hiền lành”?

Có vài bạn luôn nghĩ rằng phòng nhân sự chính là một nơi hoàn hảo để có thể giúp đỡ mọi người nên tính cách càng hiền lành lại càng được “ưng ý”. Nhưng trên thực tế dựa trên sự công bằng mà nói thì phòng nhân sự đúng là trong kỳ vọng của mọi người là phải “tốt đẹp” để giúp đỡ mọi người xử lý những đầu việc được liệt kê ở bên trên.

Tuy nhiên, chính vì sự nhầm lẫn này mà khiến các bạn khi nộp đơn ứng tuyển vào vị trí này ngộ nhận là một người hiền lành, tốt tính sẽ là tiêu chuẩn của vị trí này. Nhưng khoan, “tốt” ở đây chỉ là một trong những điều kiện cần để làm nhân sự chứ không phải là điều kiện đủ.

Và phải nói rằng, người làm nhân sự hay nói cách khác là nghề nhân sự – HR là thẳng thắn chứ không phải là hiền. Đơn cử đơn giản cho ví dụ này chính là khi đàm phán, tuyển dụng các ứng viên cũng như thông báo cho họ về chế độ lương thưởng một cách phù hợp sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng thì người nhân sự phải nói thẳng thắn rõ ràng quan điểm mà công ty cần.

Hay việc tạo nên một môi trường làm việc ít xung đột giữa người với người là điều tối thiểu có lẽ một người quá hiền lành khó có thể làm được. Vì nghiêm túc mà nói việc này thật sự khó nhằn và đôi khi một người nhân sự hiền lành sẽ dễ dàng bị đánh gục nếu ở giữa giải vây mà không tinh tế làm được.

Bởi vậy, nếu như bạn là một người có mong muốn làm việc trong lĩnh vực nhân sự thì phải cần luôn giữ được sự bình tĩnh cũng như lập trường của chính mình sau đó tập trung vào điều thực sự giúp bạn thành công.

Nghề nhân sự không phải là một nghề dễ dàng để làm cũng như sẽ hơi khó khăn nếu bạn là một người quá hiền lành nên hãy cố giữ cho mình một cái “đầu lạnh” cũng như phải thẳng thắn và cứng rắn hơn nhé!