Làm gì khi ý tưởng của bạn không được đồng thuận từ số đông. Trong công việc, làm sao để ý tưởng cá nhân được sự đồng thuận của tất cả mọi người là điều không hề dễ dàng. Dù là ở vị trí nào, nếu bạn đang gặp phải khó khăn để nhận được sự chấp thuận ý kiến, hãy cùng tham khảo những bí kíp sau đây nhé. Trên thực tế, không ít trường hợp gặp khó khăn khi nêu ra ý kiến của bản thân mình. Điều đó chẳng có gì sai khi bạn nêu ra quan điểm và đòi hỏi lợi ích cho mình. Đừng e ngại khi nêu ý kiến cá nhân và đừng để bản thân trở nên hối tiếc vì sự im lặng của mình.
Lên ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu
Dù bạn có một ý tưởng chất lượng và khả thi ở mức độ cao luôn gặp phải rào cản giao tiếp. Nhất là khi bạn không có khả năng trình bày, ý tưởng đó có thể bị ảnh hưởng bởi không thu hút được sự chú ý của người nghe. Tệ hơn, đối phương có thể không hiểu được ý tưởng bạn đang muốn truyền đạt là gì. Để khắc phục được lỗi trên, chúng ta nên lên ý tưởng rõ ràng để giúp người nghe có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung mình muốn truyền tải. Không cần dùng lời lẽ hoa mỹ, ý tưởng chỉ cần cụ thể và rõ ràng để người khác hiểu rõ nội dung của vấn đề là đủ. Tránh trình bày lan man, hãy nhấn mạnh những điểm quan trọng cần chú ý để người nghe biết đâu là điểm nhấn của ý tưởng. Đây là bước cơ bản nhưng mang tính tiên quyết giúp bạn thành công thuyết phục người khác.
Gạt bỏ “rào cản” tâm lý
Để được thông qua, 70% phụ thuộc vào chất lượng của ý tưởng; 30% còn lại chịu sự tác động của người trình bày. Vì thế, bạn cần chuẩn bị tâm lý trước khi phát biểu ý kiến. Đừng mãi suy nghĩ trong đầu những câu hỏi ngớ ngẩn như: Ý tưởng này liệu có được chấp nhận? Mình nói như vậy có được không?…Điều đó chỉ khiến bạn trở nên thiếu tự tin khi phát biểu và gây tâm lý lo sợ hơn thôi. Thay vào đó, bạn hãy gạt bỏ đi những trở ngại ảnh hưởng đến tâm lý đó và tập trung vào ý tưởng bạn muốn phát biểu ban đầu. Bên cạnh đó, bạn cần phải có khâu chuẩn bị tốt trước khi nêu ý tưởng để bản thân có thể trình bày lưu loát. Tự tin nêu ý tưởng và trình bày một cách chắc cú từng chi tiết nhỏ sẽ giúp người nghe cuốn vào câu chuyện của bạn. Sở hữu được điều đó, bạn đã chiếm ưu thế khi trao đổi ý tưởng với người khác.
Cởi mở tiếp nhận các quan điểm khác nhau
Mọi người có quyền phát ngôn và nêu ra ý tưởng của bản thân mình. Vì vậy, đừng cắt ngang ý kiến của người khác khi họ phản đối ý tưởng của mình. Bởi mỗi người đều có góc nhìn vấn đề khác nhau, việc buộc người khác phải chấp thuận ý tưởng của mình chỉ khiến bạn trở thành kẻ độc đoán trong công việc. Hãy học cách cởi mở tiếp nhận ý kiến trái chiều, biết đâu nó sẽ giúp bạn hoàn thiện thêm ý tưởng của bản thân mình. Hãy cho đối phương có cơ hội để ý kiến, hành động đó giúp bạn nhanh chóng biết và giải quyết điểm bất đồng trước khi chúng “leo thang”. Nên nhớ, không ai là hoàn hảo cả; chính những vấp ngã sẽ rèn luyện cho bạn trở nên “bén” hơn. Vì vậy, đừng ngại tiếp thu phản bác của người khác. Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu vấn đề nằm ở chỗ nào và tìm cách giải quyết triệt để nó.
“ĐÍCH ĐẾN CỦA TÔI KHÔNG CÒN LÀ MỘT ĐIỂM ĐẾN, MÀ ĐÚNG HƠN LÀ MỘT CÁCH NHÌN MỚI!”